Ảnh: Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo tại
Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau

Theo số liệu đánh giá của Báo cáo xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, năm 2017, Cà Mau xếp thứ 39/63 tỉnh, thành; chỉ số ICT Index do Hội Tin học Việt Nam đánh giá hàng năm, từ năm 2016 đến năm 2018, thứ bậc của tỉnh Cà Mau lần lượt là 43, 32, 44/63 tỉnh, thành.

Tuy nhiên, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước vẫn còn bất cập. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và yêu cầu về hội nhập; vai trò động lực và tiềm nǎng to lớn của công nghệ thông tin chưa được phát huy mạnh mẽ; nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước chưa đủ số lượng và chất lượngứng dụng công nghệ thông tin ở một số nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tuy đã được triển khai nhưng hiệu quả còn hạn chế…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2025; Chủ tịch Ủy bạn nhân dân tỉnh vừa ban hành hành kế hoạch hành động để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu đề ra là đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính quyền điện tử dựa trên dữ liệu mở, kết hợp với xây dựng đô thị thông minh; đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng.
 

Ảnh: Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau hướng dẫn
học viên lớp Quản lý nhà nước CVC tỉnh Hậu Giang lấy số thứ tự tại Trung tâm

Giai đoạn 2019 - 2020 tập trung thực một số mục tiêu cụ thể sau:

- Hoàn thiện hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (VIC) đảm bảo các tính năng theo quy định, có khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp Chính quyền từ trung ương đến địa phương.

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính toàn tỉnh đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống một cửa điện tử: Cấp tỉnh 95%, cấp huyện 80%, cấp xã 70%.

- Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 3, 4; Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% Cổng/Trang Thông tin điện tử cấp tỉnh, các sở ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ.

- 95% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

- Rút ngắn từ 30% - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử;....
Đến giai đoạn 2021 – 2025:

- Hoàn thành việc triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung LGSP (Local Government Service Platform), triển khai các giải pháp kết nối giữa các hệ thống trên địa bàn tỉnh và với các hệ thống thông tin quốc gia.

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh theo quy định của Trung ương đối với CSDL quốc gia về tài chính, CSDL quốc gia về đất đai.

- Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử.

- 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- 60% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia không phải cung cấp lại.

- 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

- 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

- Triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; đến cuối năm 2025, phấn đấu 90% cấp tỉnh, 80% cấp huyện thực hiện họp giữa các cấp thông qua hệ thống;....

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau xây dựng Kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Chỉ đạo đưa mục tiêu, nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin vào kế hoạch công tác dài hạn và hàng năm; gắn nội dung ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020; bảo đảm ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là nội dung bắt buộc, quan trọng trong từng kế hoạch phát triển, cũng như từng đề án, dự án đầu tư của đơn vị.

Kiều Anh