Năm 2019, với sự chung tay nỗ lực của các cấp, các ngành tỉnh Cà Mau tiếp tục có sự cải thiện đáng kể về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (tăng 5 bậc so với năm 2018) vươn lên tốp ba tỉnh đứng đầu cả nước  (Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau).

         Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước là sự đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.

        Năm 2019 là năm thứ 3 Chỉ số SIPAS được triển khai trên phạm vi toàn quốc và kết quả Chỉ số SIPAS 2019, tương tự như năm 2018, 2017, tiếp tục phản ánh một các toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố.

         Chỉ số SIPAS 2019 tiến hành điều tra xã hội học với tổng số phiếu phát ra tại 63 tỉnh trong cả nước là 36.630 phiếu; tổng số phiếu thu về hợp lệ là 35.268 phiếu, đạt 96,28%. Trong 35.268 người tham gia trả lời phiếu, 88,16% là người dân và 11,84% là người đại diện tổ chức.

           Báo cáo đánh giá cho thấy năm 2019, 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018, gần 2,3% so với năm 2017. Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48%, về thủ tục hành chính (TTHC) là 86,54%, về công chức là 85,62%, về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức là 73,66%. Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về các yếu tố của quá trình cung ứng và kết quả dịch vụ công có sự tăng, giảm khác nhau, trong đó tiếp cận dịch vụ có số người dân, tổ chức hài lòng tăng nhiều nhất và tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị giảm nhiều nhất qua 3 năm.

           Báo cáo đánh giá cũng cho thấy, các chỉ số phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực đều ở mức thấp và có xu hướng giảm dần qua các năm kể từ năm 2017. Năm 2019, 5,41% người dân, tổ chức phải đi lại từ 4 lần trở lên; 1,41% bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 0,47% bị công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định; 4,44% bị trễ hẹn và trong số những người bị trễ hẹn thì có 42,63% nhận được thông báo về việc trễ hẹn và 27,12% nhận được xin lỗi về việc trễ hẹn. 

        Đối với hoạt động của Bộ phận Một cửa, báo cáo cũng cho thấy kênh tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa được 88,20% người dân, tổ chức đánh giá phù hợp; kênh tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Một cửa và trả kết quả qua dịch vụ Bưu chính là 88,80%; kênh tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính là 86,20% và kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên mạng internet và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa là 84,94%.

         Như vậy, với kết quả của chỉ số SIPAS năm nay cho thấy, nhận thức về việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong đội ngũ lãnh đạo, công chức ở các địa phương đã được nâng lên, góp phần giúp quá trình triển khai điều tra xã hội học thuận lợi, hiệu quả hơn.

                                                                           Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính Cà Mau