Ảnh: Lớp Bồi dưỡng QLNN ngạch Chuyên viên chính tỉnh Hậu Giang tham quan
thực tế tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau

Mục tiêu trọng tâm là đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân.

Những mục tiêu cụ thể của công tác cải cách thủ tục hành chính tập trung thực hiện đó là: 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được công bố kịp thời và niêm yết, công khai đúng quy định; Phấn đấu có 100% hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn; mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh trung bình đạt từ 95% trở lên. 100% hồ sơ của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận, xử lý trên phần mềm Một cửa điện tử; công bố thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện theo quy định; có ít nhất 20% hồ sơ được nộp và xử lý trực tuyến mức độ 3, 4;..

Trên cơ sở các mục tiêu nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2019 gồm:

1. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. 

2. Thường xuyên rà soát để phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, khó thực hiện. Đặc biệt, là cải cách các khâu, các thủ tục trung gian trước khi hoàn thành bộ thủ tục hành chính để nộp vào Bộ phận Một cửa (nhất là đối với thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai). Cập nhật, công bố, công khai thủ tục hành chính theo quy định.

3. Nâng cao chất lượng tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính. Định kỳ 03 tháng, mỗi cơ quan, đơn vị có tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân; các sở, ban, ngành có liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính có thể phối hợp tổ chức.

4. Triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 11/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. 

5. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của các đơn vị cấp huyện, cấp xã; ít nhất 06 tháng một lần, tổ chức lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về kết quả giải quyết thủ tục hành chính (đối với những đơn vị không có bố trí thiết bị đánh giá mức độ hài lòng). Qua đó, xử lý hoặc thay thế kịp thời những công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân. 

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kiện toàn Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Thực hiện tích hợp ứng dụng Zalo trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhằm phục vụ người dân nộp, tra cứu hồ sơ trực tuyến; trao đổi, góp ý, đánh giá mức độ hài lòng của người dân sau khi thực hiện dịch vụ công... Tiếp tục rà soát, công bố dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với những thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức phù hợp nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia của người dân đối với dịch vụ công trực tuyến.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và trả kết quả trên phần mềm Một cửa điện tử; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức.

Kiều Anh