Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân tham gia ý kiến xây dựng
chính quyền điện tử tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình ứng dụng CNTT năm 2018. 

Là 1 trong 3 huyện được UBND tỉnh chọn thực hiện một cửa điện tử, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn Võ Văn Hành cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện đã đầu tư một số trang thiết bị phục vụ bộ phận một cửa hiện đại. Bên cạnh việc sử dụng thường xuyên phần mềm VIC, chữ ký số, huyện đã xây dựng 2 trang web của Văn phòng Huyện uỷ và Ban Chỉ đạo (BCĐ) UBND huyện. Hạ tầng công nghệ thông tin thời gian qua được đầu tư trang thiết bị để thực hiện các cuộc họp trực tuyến tại các xã, thị trấn.

“Như tại hội nghị trực tuyến giữa các huyện, thành phố với cấp tỉnh mà tôi đang dự thì huyện cũng đồng thời thực hiện trực tuyến với các xã, thị trấn. Khi đó các xã, thị trấn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại”, ông Võ Văn Hành chia sẻ.

Ông Võ Văn Hành cho biết, huyện Năm Căn đang triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua kho bạc, các đơn vị có sử dụng ngân sách, các phòng ban của huyện cũng như các xã, thị trấn bước đầu thực hiện. Khi thanh toán và rút tiền, các đơn vị không cần đến kho bạc để giao dịch rút tiền. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn huyện thực hiện giao dịch theo hình thức này.

Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến khẳng định: "Đây là xu hướng tất yếu, giai đoạn hiện nay phải có chính quyền điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, gọn, hiệu quả. Mặc dù Ngọc Hiển là huyện vùng sâu, vùng xa, hạ tầng nói chung, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) còn hạn chế, nhưng thời gian gần đây, huyện đã tập trung chỉ đạo và có bước thành công nhất định. Từ giữa năm 2018 trở về trước không phát sinh hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, nhưng sau đó hồ sơ được nộp qua dịch vụ công trực tuyến bước đầu được thực hiện. Đến cuối năm 2018, hồ sơ phát sinh ở mức độ 3 chiếm 5%, mức độ 4 chiếm 3,7%. Mặc dù con số còn khiêm tốn nhưng lãnh đạo huyện xem đây là thành công bước đầu. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, đến nay người dân hiểu được dịch vụ công trực tuyến là như thế nào và tham gia thực hiện giải quyết TTHC qua môi trường mạng".

Có Chính phủ điện tử mà không có công dân điện tử cũng không mang lại hiệu quả. Vì vậy, theo ông Lý Hoàng Tiến, không chỉ quan hệ giữa người dân và cơ quan hành chính giao dịch thủ tục qua môi trường mạng mà các cơ sở du lịch cũng nên đẩy mạnh quảng bá hình ảnh qua môi trường mạng. Thời gian tới, cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn từ các cấp để đẩy mạnh thực hiện Chính quyền điện tử.

Ông Lý Hoàng Tiến chia sẻ: "Huyện Ngọc Hiển sẽ học hỏi huyện Năm Căn việc thực hiện giao dịch với kho bạc qua dịch vụ công trực tuyến".

Tuy nhiên, ông Lý Hoàng Tiến cho biết, hạ tầng viễn thông hiện nay một số phần mềm đôi lúc không kết nối được, như phần mềm quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, phần mềm làm chứng minh Nhân dân… Do vậy, thời gian tới các phần mềm này cần được nâng cấp để hoat động tốt hơn.

Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Võ Quốc Thống cho biết, huyện đã tiếp thu các văn bản chỉ đạo, đề án, kế hoạch của BCĐ Chính quyền điện tử của tỉnh, BCĐ CNTT, theo đó huyện đã xây dựng kế hoạch và ban hành văn bản chỉ đạo đầy đủ các nội dung. Huyện cũng đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá xếp loại CNTT cho các cơ quan Nhà nước, đồng thời áp dụng CNTT vào xử lý công việc, xử lý hồ sơ.

Mặc dù việc triển khai thực hiện Chính quyền điện tử bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hiện cán bộ, công chức, viên chức chưa gương mẫu thực hiện giải quyết TTHC qua môi trường mạng, nếu vậy làm thế nào để hướng dẫn, hỗ trợ người dân? Trong khi tỉnh đang cần đội ngũ tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân biết hiện nay có rất nhiều TTHC được giải quyết qua môi trường mạng, người dân không phải đi lại tốn thời gian, chi phí. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có thể thực hiện TTHC tại nhà. Do người dân chưa biết nên tỷ lệ thực hiện chưa nhiều.

"Nguyên nhân chủ yếu là do các ngành, các địa phương còn xem nhẹ việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý điều hành, còn thiếu gắn kết chặt chẽ giữa ứng ụng CNTT vào giải quyết TTHC", Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định.

Để khắc phục hạn chế thời gian qua và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT thời gian tới, nhất là việc xây dựng chính quyền điện tử, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm sớm khắc phục những hạn chế nêu trên. Đồng thời, tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước đảm bảo phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử đã được phê duyệt nhằm tăng cường khả năng kết nối, liên thông tích hợp, chia sẻ sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin. Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, nhất là chữ ký số, hộp thư điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. BCĐ xây dựng Chính quyền điền tử các huyện, thành phố cần kiện toàn BCĐ CNTT của địa phương mình, cập nhật, nâng cấp các phần mềm đã lạc hậu, rà soát những công việc còn phải xử lý thủ công xem xét có thể mua phần mềm về để sử dụng./.

Theo baocamau.com.vn