Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo sự thỏa thuận của cha mẹ; nếu không thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ”. Quy định này có nghĩa là trong trường hợp cha mẹ thỏa thuận về việc lấy họ của cha hoặc lấy họ của mẹ để làm họ của con thì đứa trẻ sẽ được khai sinh theo sự thỏa thuận đó.

Từ cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, có thể thấy pháp luật Việt Nam không bắt buộc khi khai sinh họ của con phải theo họ của cha cũng như không bắt buộc trong sổ hộ khẩu họ của con phải giống họ của cha. Trường hợp cha mẹ không có thỏa thuận về việc lựa chọn cho đứa trẻ mang họ cha hay mang họ mẹ thì sẽ áp dụng theo tập quán nơi đứa trẻ được sinh ra. Khi đó, nếu tập quán ở đó là họ của con được đặt theo họ của cha thì đứa trẻ sẽ mang họ của cha và ngược lại.

Như vậy, có thể khẳng định, về nguyên tắc, dù theo tập quán hay theo sự thỏa thuận, lựa chọn của cha, mẹ thì khi khai sinh, đứa trẻ cũng chỉ có thể mang họ của cha hoặc của mẹ chứ không thể mang họ khác được.

                                                                                      Quang Dũng