Từ việc trao đổi thông tin, quản lý cán bộ…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Trần Quốc Chính cho biết, hiện nay tỉnh có các phần mềm được ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VIC) hiện có trên 470 đơn vị sử dụng, với hơn 7.500 tài khoản người dùng; Phần mềm kết nối gửi nhận liên thông văn bản từ cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã và gửi nhận văn bản điện tử liên thông với Văn phòng Chính phủ. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước thông qua phần mềm đạt trên 98%, mức độ sử dụng phần mềm thường xuyên của cán bộ, công chức đạt trên 90%.

Được triển khai từ năm 2015, chữ ký số được tích hợp ký trên phần mềm VIC nên thời gian gần đây đã phát huy hiệu quả. Nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số để ký phát hành văn bản điện tử. Năm 2018, tổng số văn bản điện tử được ký số 118.065 văn bản, đạt 42%. Từ đó, góp phần tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian trong hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.

Thư điện tử công vụ tỉnh được tích hợp vào ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, được quản lý, sử dụng theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND ngày 3/10/2018 của UBND tỉnh. Tổng số cơ quan, đơn vị có hộp thư điện tử là 150, số cán bộ, công chức được cấp địa chỉ hộp thư trên 2.500 tài khoản. Hộp thư điện tử được sử dụng để trao đổi, chia sẻ thông tin điện tử phục vụ hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị. 

Nhằm giúp các đơn vị theo dõi quá trình biến đổi thông tin của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình công tác từ khi bắt đầu vào cơ quan cho đến nghỉ hưu, phần mềm Quản lý cán bộ, công chức đã được triển khai sử dụng trên phạm vi toàn tỉnh, từ các sở, ban, ngành cấp tỉnh đến UBND cấp huyện, xã. Hiện có hơn 26 ngàn thông tin hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được quản lý tập trung theo phân quyền trên phần mềm, với tên miền http://cbccvc.camau.gov.vn. Thông qua hệ thống giúp các đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quản lý hồ sơ nhân sự hiệu quả, giảm chi phí, thời gian, công sức, thuận tiện trọng việc tra cứu tìm kiếm hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.  
 

Thông qua phần mềm một cửa điện tử, Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh đã tiếp
nhận, xử lý trước hạn hàng chục ngàn hồ sơ, từ đó giảm chi phí tuân thủ TTHC
cho người dân, doanh nghiệp trên 28 tỷ đồng. 

…Đến quản lý hộ kinh doanh, hợp tác xã

Trong năm 2018, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã được triển khai nhằm tiếp nối cho việc quản lý đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã tại các địa phương trong tỉnh, cùng với hệ thống đăng ký, quản lý doanh nghiệp của Trung ương triển khai tại địa phương.

Phần mềm cho phép xử lý hồ sơ đăng ký đã nhập trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh và cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh. Tương tự như hệ thống đăng ký doanh nghiệp, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh, hợp tác xã cho phép người dùng của ngành thuế cấp mã số thuế cho hộ kinh doanh ngay khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thông qua cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh, tình hình kinh doanh trên quy mô hộ, hợp tác xã sẽ được thống kê, phân tích theo ngành nghề, số lượng lao động, quy mô vốn, phân bố theo địa phương, cung cấp cho lãnh đạo địa phương để định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Phần mềm này ngoài phục vụ trực tiếp hoạt động quản lý của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh đối với hộ cá thể, còn phục vụ người dân, doanh nghiệp trong việc định hướng sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện thủ tục hành chính trong đăng ký hộ kinh doanh của cấp huyện được hỗ trợ thuận lợi hơn. Các thông tin về số lượng hộ kinh doanh, ngành nghề kinh doanh phổ biến của địa phương góp phần phục vụ công tác quản trị doanh nghiệp trong việc định hướng đầu tư tại địa phương.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành, qua giai đoạn triển khai thí điểm được đánh giá tích cực: Thu thập dữ liệu quan trắc môi trường tự động, cập nhật dữ liệu dễ dàng; Cung cấp thông tin kịp thời, hữu ích cho người sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp. Hệ thống đang được tiếp tục triển khai mở rộng và đầu tư trang bị các thiết bị quan trắc các chỉ tiêu môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Trước đó, từ năm 2016, phần mềm thông tin kinh tế - xã hội (EGC) được triển khai sử dụng, đáp ứng nhu cầu theo dõi xử lý công việc hành chính của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh. Với hệ thống tích hợp thông tin kinh tế - xã hội, lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị có thể truyền đạt thông tin thông suốt thông qua thiết bị di động; Giao việc, báo cáo công việc, truyền đạt các ý kiến chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện công việc đã giao; Cập nhật thông tin mới nhất về tình hình xử lý hồ sơ một cửa, xử lý văn bản của các đơn vị trong tỉnh;

Cập nhật thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh, bao gồm các lĩnh vực: Kinh tế, tài chính, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, giáo dục… thông qua thiết bị di động. Cung cấp các tiện ích cần thiết hỗ trợ công việc của lãnh đạo các đơn vị như: Thư điện tử, đọc tin tức… trên thiết bị di động. Đến nay, phần mềm có 1.358 tài khoản người dùng. Hướng tới sẽ được nâng cấp, tích hợp và phát triển thành hệ thống đăng nhập một lần (Single Sign On (SSO))... ./.

Theo baocamau.com.vn