Ảnh: Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến

Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau

Trên cơ sở đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019 và kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2016 - 2020), Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Cà Mau năm 2020 như: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Chính quyền điện tử nhằm nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả điều hành trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, hướng đến phục vụ người dân doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của các cấp lãnh đạo trong tỉnh; tăng cường tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động hành chính; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực để kết nối và khai thác các hệ thống thông tin quốc gia do các Bộ, ngành Trung ương triển khai và nguồn nhân lực bảo đảm sự vận hành liên tục, thông suốt của Hệ thống Chính quyền điện tử, Trung tâm dữ liệu.

Ảnh: Công chức tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh hỗ trợ người dân điền

thông tin tờ khai làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp

Về mục tiêu cụ thể theo Kế hoạch đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trên phần mềm Một cửa, một cửa liên thông (ISO điện tử); 100% cán bộ, công chức, viên chức biết khai thác, sử dụng hộp thư điện tử; 60% các cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thông qua hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; 95% thông tin chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh được cập nhật lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; 90% văn bản chính thức, tài liệu trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng văn bản điện tử; 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số; ….

Theo đó, tập trung vào 6 nội dung, đó là: Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước; Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển hạ tầng kỹ thuật và Bảo đảm an toàn thông tin.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai các ứng dụng phục vụ nhu cầu giao dịch trực tuyến cùng với trực tiếp của người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp có thể kết nối giao dịch trực tuyến bằng nhiều kênh như qua Internet, tin nhắn qua mạng điện thoại, trên các thiết bị máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc kiosk tra cứu công cộng.

Nâng cấp, hoàn thiện Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, phục vụ giao tiếp trực tiếp của người dân và doanh nghiệp với đầy đủ phương tiện, theo phương thức một cửa bảo đảm nhanh gọn, chính xác. Đòng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về Chính quyền điện tử, về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, về an toàn thông tin cho người dân và doanh nghiệp./.

Kiều Anh