Tại buổi đối thoại về thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực lao động, lao động nước ngoài, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp của Sở LĐ-TB&XH, không chỉ thiếu vắng doanh nghiệp mà còn thiếu luôn cả những câu hỏi xoay quanh vấn đề này. Một buổi đối thoại nhưng chỉ nhận được 1 ý kiến trao đổi trực tiếp và 6 ý kiến gửi bằng văn bản, trong đó có 1 câu hỏi ngoài lĩnh vực đối thoại khiến hội nghị rơi vào tình trạng khá trầm lắng. Mặc dù được gợi ý từ trước nhưng không có câu hỏi nào xoay quanh vấn đề xuất khẩu lao động hay giáo dục nghề nghiệp. 

Cần phải thừa nhận, các cuộc đối thoại là kênh thông tin quan trọng để các cấp lãnh đạo nắm bắt được mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp nhằm điều chỉnh để việc giải quyết các TTHC đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính.

Buổi đối thoại về thực hiện TTHC của Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Xây dựng phối hợp vừa qua chưa đạt kết quả như mong đợi. Buổi đối thoại mời 80 doanh nghiệp nhưng chỉ có 20 doanh nghiệp tham gia với 5 ý kiến mà đơn vị còn vướng mắc. 
 

Đại diện Phòng Giáo dục nghề nghiệp và việc làm, Sở LĐ-TB&XH trả lời các
câu hỏi xoay quanh vấn đề về lao động, việc làm.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Trương Linh Phượng, thông qua hội nghị đối thoại, sở mong muốn cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các TTHC trên lĩnh vực lao động, lao động nước ngoài, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp. Nhưng khi thiếu vắng sự tham gia của công dân, doanh nghiệp đã khiến buổi đối thoại trầm lắng, chưa đạt kết quả như mong đợi.

“Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan tổ chức hội nghị đối thoại với công dân, doanh nghiệp để chất lượng cuộc đối thoại cao hơn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính cho tỉnh nhà”, bà Trương Linh Phượng cho biết.

Cần phải thừa nhận, các cuộc đối thoại vừa qua bị rơi vào tình trạng “độc thoại”, trách nhiệm đó không chỉ thuộc về các cơ quan Nhà nước mà sự thiếu hợp tác của công dân, doanh nghiệp cũng đã làm cho chất lượng các cuộc đối thoại chưa cao. Nếu trong quá trình thực hiện các TTHC còn gặp khó khăn, vướng mắc, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức chưa cao được công dân, doanh nghiệp kịp thời phản ánh, kiến nghị sẽ giúp cơ quan Nhà nước nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết. Nếu có sự tương tác 2 chiều tích cực giữa cơ quan Nhà nước và công dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh nhà./.

Theo baocamau.com.vn