Theo đó, Chỉ thị quy định cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn việc nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu. Đối với trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực.


 bat_cap_khi_thuc_hien_nd_20_2015
Ảnh: Người dân nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm 
Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau

Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp quy định hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ như: hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; quyết định thôi việc; quyết định sa thải; quyết định kỷ luật buộc thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
Trên thực tế, người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, bị thôi việc, bị sa thải,... thì chỉ được người sử dụng lao động cấp một bản chính duy nhất của các loại giấy tờ nêu trên, nhưng Nghị định số 28 của Chính phủ quy định về thành phần hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bắt buộc phải nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực là không phù hợp với quy định chung và tiến trình cải cách hành chính của Chính phủ.
Đối với tỉnh Cà Mau, mỗi năm tiếp nhận và giải quyết trên 10.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, khi thực hiện theo Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, nếu tính bình quân ở mức thấp nhất mỗi hồ sơ 2.000 đồng tiền photo, chứng thực sao y thì mỗi năm người dân phải chi thêm vài chục triệu đồng để thực hiện, chưa kể phải bỏ thời gian, chi phí đi lại nhiều cơ quan, đơn vị để thực hiện việc photo, chứng thực sao y các văn bản, giấy tờ,... gây rất phiền hà.
 Như vậy, nếu tính chung cả nước khi thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ (chứng thực sao y các văn bản, giấy tờ thực hiện thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp) mỗi năm phải chi một khoảng kinh phí không nhỏ của người dân, trong khi những chi phí này đúng ra không đáng có, nếu thực hiện theo hình thức xác nhận đối chiếu với bản chính.
Thiết nghĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính thuộc ngành mình quản lý để tham mưu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đặc biệt là Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ.
Theo đó, cần điều chỉnh lại theo hướng cho cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn việc nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao và xuất trình kèm bản chính để đối chiếu; không quy định quá cứng nhắc như quy định hiện hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình thực hiện, giảm được thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính./.
 

TH