Ảnh: Đoàn công tác tỉnh Hậu Giang tham quan, trao đổi kinh nghiệm

tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau)

Việc tổ chức mô hình “4 tại chỗ” là nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; đặc biệt là thực hiện tốt chủ trương giải quyết tại chỗ tối thiểu 30% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ, nhằm góp phần bảo đảm các thủ tục hành chính được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian của tổ chức, cá nhân.

Về cách thức thực hiện: Hồ sơ trước khi tiếp nhận sẽ được kiểm tra thành phần, nội dung, tính pháp lý của hồ sơ (kể cả tiếp nhận trực tiếp, tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính, trực tuyến). Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận, nhập vào các phần mềm để xử lý theo quy định; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ bằng văn bản.

Tất cả các hồ sơ khi tiếp nhận, xử lý đều được kiểm duyệt thông qua Quy trình nội bộ, quy trình liên thông và quy trình điện tử do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Theo đó, Giám đốc Sở Tư pháp ủy quyền cho công chức trực tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh thẩm định, phê duyệt và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.

Yêu cầu việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được luân chuyển, xử lý và áp dụng chữ ký số trên môi trường mạng, chủ động giải quyết thủ tục hành chính theo hướng linh hoạt, phù hợp quy định và sát thực tiễn, hiệu quả, công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu.

Việc triển khai thực hiện mô hình “4 tại chỗ” nhằm hướng tới mục tiêu lấy lợi ích của tổ chức, cá nhân để phục vụ, cắt giảm thời gian, chi phí đi lại và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; đồng thời, gắn với đó là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến./.

Kiều Anh