7 giờ sáng, cán bộ đồng phục, bảng tên chỉnh tề đã sẵn sàng làm việc. Mặt ai cũng tươi rói, niềm nở, có người dân đến là giúp đỡ tận tình. Trên 1.500 loại thủ tục, hồ sơ, cái nhanh thì 5-10 phút; còn không thì cán bộ đưa giấy hẹn đúng mấy giờ, mấy phút, ngày mấy, tháng mấy… bà con đến lấy, bằng không thì qua quầy dịch vụ có người đem tới tận nhà. Người dân về rồi còn thắc mắc: “Chỗ này mới mà ngộ quá ta”.

Thí điểm đột phá 

Trước giờ, khi nói tới thí điểm nhiều người hồ nghi, băn khoăn về tính hiệu quả và bền vững của nó. Nhưng từ khi Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Trung tâm) đi vào hoạt động ngày 1/1/2017, biết bao nhiêu người nô nức. Từ các cụ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, Nhân dân… ai cũng coi đây là việc nên làm, đáng làm và lẽ ra phải làm sớm hơn. Chỉ kẹt một nỗi bà con ở quê xa, vì nhiều lý do nên chưa biết có trung tâm này, cầm hồ sơ, giấy tờ chạy xuôi chạy ngược mới tới được toà nhà cao tầng đẹp quá cỡ mà ngần ngại bước vô. Tính rằng đợt này còn ngược xuôi dài dài…
 

hcc

Sau một năm đưa vào hoạt động, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính đã phát huy hiệu quả.
Ảnh: HOÀNG DIỆU

Anh Hồ Chí Linh, Phó giám đốc trung tâm, kể lại: “Hồi mới về bỡ ngỡ lắm, cả cán bộ và người dân luôn”. Một số anh em quen kiểu “tà tà”, giờ siết chặt giờ giấc đâm ra căng thẳng và lúc nào mặt cũng “buồn buồn”. Có công việc trước đây toàn giải quyết thủ công, giờ chuyển sang ứng dụng công nghệ thông tin, trực tuyến nên bị lúng túng. Chưa kể việc phần mềm mới vận hành nên chưa thông suốt, thi thoảng cũng bị sự cố nên đôi lúc trì trệ. Nhưng khó nhất và thương nhất chính là bà con, như lời anh Linh: “Nhiều người chưa biết có trung tâm, cứ chạy tới chạy lui, rồi người ta chỉ qua đây. Vậy là bà con "khăn gói" đến tìm mình".
Kể chuyện vui, anh Linh vẫn chưa nguôi cảm giác xúc động về những ngày đầu: “Có một số cô, chú từ trong quê ra làm giấy tờ. Tới đây thấy làm nhanh quá, tiện lợi quá, có người hướng dẫn nhiệt tình, cán bộ nào cũng vui vẻ nên cảm ơn hoài. Tới lúc về, mấy cô, chú cứ thì thầm với nhau sao chỗ này ngộ quá, lạ quá, hồi đó giờ mới thấy”. Trung tâm hình thành đã đánh trúng vào mong mỏi, kỳ vọng của Nhân dân về một nền hành chính công phục vụ, đó là biểu hiện rõ ràng nhất cho bản chất của Đảng, Nhà nước Việt Nam là của dân, do dân, vì dân.
Với anh Trần Văn Hoà, Giám đốc trung tâm, việc điều hành phải trên những nguyên tắc cơ bản, thống nhất, thưởng - phạt phân minh, nhưng cái chính yếu, lâu dài vẫn là ý thức, là phẩm chất của cán bộ, công chức - những người công bộc của dân. Hiện tại trung tâm có 17 sở, ngành và 2 đơn vị ngành dọc mở quầy thủ tục. Bằng chế độ giám sát độc lập, bảo đảm tính khách quan, có đánh giá theo tuần, tháng, quý và bảng điện tử đánh giá trực tiếp cho người dân nên có thể nắm chắc hiệu suất công việc của từng vị trí.
Ông Huỳnh Tấn Đức, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ ở bộ phận giám sát độc lập cho chúng tôi “mục sở thị”: “Nè, mấy anh thấy chưa, bộ phận một cửa ở các huyện, thành phố, từng quầy ở trung tâm, chúng tôi có thể giám sát chi tiết bằng camera đến cả nội dung văn bản, cho nên ai làm việc thế nào là biết liền”.
Ngẫm nghĩ mà mừng, trước giờ ở chỗ nào cũng thấy hộp thư góp ý mà chẳng thấy ai góp gì(?). Giờ thì bà con thấy bảng điện tử trước bàn làm việc của cán bộ, có từng mức đánh giá, ấn vô là lên hệ thống, cho nên chẳng khuất tất việc gì. Nhưng nguyên tắc chỉ mới là một vế của vấn đề, tinh thần, thái độ và ý thức phục vụ của người cán bộ mới là hệ trọng. Anh Linh thông tin thêm: “Khi đi vào nền nếp, anh em có sự chuyển biến lớn trong lề lối làm việc, trong nhận thức về công tác phục vụ hành chính”.
Trong nhịp điệu công việc hằng ngày, ngoài chuyện giấy tờ, thủ tục, con dấu, chữ ký…, người ta lại bắt gặp đâu đó những lời động viên, hỏi han, sự giúp đỡ chân tình của người cán bộ dành cho Nhân dân. Tại trung tâm, các sở, ngành, đơn vị có quầy thủ tục được hỗ trợ, trang bị về cơ sở vật chất, khoa học - kỹ thuật và được đáp ứng môi trường làm việc tốt nhất, chuyên nghiệp nhất. Cán bộ trực quầy cũng được hỗ trợ chế độ theo quy định, được đánh giá kết quả công tác toàn diện, khách quan. Tính hệ thống và chuyên sâu của trung tâm là một điểm sáng chú ý, từng khâu, từng vị trí có công việc cụ thể và được phối hợp, vận hành bài bản, thế nên công việc “chạy vèo vèo” dù chỉ với đội ngũ hơn 50 người.

Vững chắc niềm tin 

Anh Lê Hoàng Phil, ngụ xã Hoà Tân, TP Cà Mau, cùng cha vợ đi làm giấy tờ cho em vợ xuất cảnh, thú thiệt: “Mới tới đây lần đầu hà! Tính đâu khó khăn dữ lắm, ai ngờ rốp rẻng quá trời”.
Anh Phil ra UBND xã Hoà Tân, được xã chỉ ra đây và sau 15 phút thì được giải quyết gọn lẹ. Cái bất ngờ nữa là cán bộ còn viết giấy tờ giùm, thái độ vui vẻ như em, cháu trong nhà. Là nông dân nghĩ sao nói vậy, anh Phil khen thiệt lòng: “Phải ở đâu cũng như ở đây thì đỡ cho người dân mình biết mấy!”.
Chuyên viên Đoàn Thuý Hằng, Sở Tư pháp, cười nói: “Về trung tâm rồi thấy mình trưởng thành lên dữ lắm”. Quầy Tư pháp nhận trên 120 loại thủ tục, giấy tờ, mỗi ngày cũng năm bảy chục lượt khách, thế nên khối lượng công việc không thể nói là nhỏ, ấy vậy mà chị Hằng cho rằng: “Làm cũng bình thường, vô guồng rồi dễ lắm. Vả lại mình vui vẻ thì bớt đi áp lực, chớ căng thẳng hoài đâu giải quyết được gì”.
Với chị Tô Khánh Vi, nhân viên dịch vụ nhận uỷ thác các loại giấy tờ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Giao thông vận tải thì: “Môi trường làm việc tại trung tâm tốt lắm, bà con đến đây ai cũng hài lòng. Người dân nào yêu cầu dịch vụ là chúng tôi đem tới tận nhà luôn, phí cũng hợp lý”.
Anh Trần Hữu Đức làm thủ tục đổi giấy phép lái xe sẵn đó chất vấn: “Em nói thiệt không, anh đăng ký dịch vụ là gởi tới nhà đó, không là bắt đền”. Chị Vi cười tươi và cam kết: “Đây, số điện thoại của em, tới ngày anh chưa nhận được thì gì em cũng đền”. Cả hai cùng cười và chúng tôi cũng hoà chung không khí thân thiện, chân thành ấy. Hoá ra đi làm thủ tục, giấy tờ cũng có cái vui, chớ ai bảo chỉ mất thời gian, còn chuốc thêm bực tức.
Hết lượt người này đến lượt người khác, ai ai ra về cũng không quên gởi lại lời cảm ơn, vậy mà anh Linh vẫn băn khoăn: “Trung tâm mới chỉ thí điểm 1 năm, còn nhiều thứ cần phải hoàn thiện lắm”. Tổ chức, hạ tầng kỹ thuật, sắp xếp lại đội ngũ nhân lực…, rất nhiều chuyện mà những người phụ trách trung tâm muốn làm tốt hơn, tốt nhất có thể để thực sự đáp ứng mong mỏi của người dân.
Anh Linh chia sẻ: “Nói vậy chớ đâu phải mình có thể vừa lòng hết mọi người, mà lúc nào cũng phải tâm niệm là nỗ lực phục vụ, phục vụ đúng quy định, đúng với đạo đức, lương tâm”.
Người dân bớt đi một chuyến xe ôm là được thêm một buổi bán buôn, thăm đồng hoặc bớt đi những âu lo, ám ảnh về các loại giấy tờ, thủ tục. Đó cũng là niềm vui, là động lực để anh em cán bộ trung tâm tiếp tục phấn đấu.
Một nền hành chính phục vụ còn là một nền hành chính biết xin lỗi Nhân dân. Tại một số quầy của trung tâm, trong năm 2017 đã có những văn bản chính thức xin lỗi gởi đến người dân vì trong quá trình giải quyết còn vướng mắc, gây phiền hà và chưa đáp ứng mong mỏi của bà con.
Anh Linh khẳng định: “Hành chính là phục vụ, hành chính là dịch vụ, Nhân dân mới là chủ thể, là đối tượng hướng đến”. Nó khác với quan niệm “hành là chính”, ở đó “ông cán bộ” có quyền hách dịch, phiền hà, nhũng nhiễu, “sinh - sát ở trong tay”. Từ bây giờ, người dân Cà Mau đã biết rằng, có một toà nhà rất đẹp, nơi đó tập hợp những cán bộ tâm huyết, năng lực để phục vụ Nhân dân, song hành cùng những người chủ thực sự của quê hương trong hành trình phát triển./.

Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau đi vào hoạt động ngày 1/1/2017, đến nay đã niêm yết, đăng tải trên 1.500 loại thủ tục, giấy tờ. Trong năm qua, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh gần 64.000 hồ sơ, đạt trên 97%; cấp huyện trên 24.000 hồ sơ, đạt gần 96%. Đến cuối năm 2017, có trên 15.000 lượt người dân đánh giá, tỷ lệ hài lòng trên 95%. 

Theo Phạm Quốc Rin Báo Cà Mau