Bên lề lễ ký kết hợp tác khai thác ứng dụng Zalo trong công tác cải cách hành chính tại UBND tỉnh Cà Mau, ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau, cho biết tỉnh này xác định dùng Zalo phát triển nhanh dịch vụ công trực tuyến. Ứng dụng này giúp người dân, doanh nghiệp kết nối với các cơ quan, tổ chức Nhà nước thông qua chính quyền điện tử.

Zalo thuận tiện hơn cho người dân

Từ ứng dụng của Zalo, người dân dễ dàng truy cập mã hồ sơ để theo dõi tiến trình giải quyết cũng như trách nhiệm giải quyết của các cơ quan Nhà nước. Trong thời gian tới, thông qua tiện ích của Zalo, tỉnh Cà Mau sẽ giúp người dân truy cập hình ảnh hồ sơ và quá trình giải quyết các thủ tục hành chính rất tiện lợi mà không phải sử dụng phần mềm khác.
 

Người dân Cà Mau xem hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến thông qua ứng dụng Zalo. Ảnh: Việt Tường.

"Hiện nay, việc nộp hồ sơ trực tuyến ngoài văn bản điện tử, mẫu đơn tờ khai thì còn có thành phần hồ sơ. Các văn bản đó phải scan mà người dân thì đâu có sẵn máy quét văn bản, nên điều đó không khả thi. Khi khai thác tiện ích Zalo, tôi nghĩ thời gian tới Cà Mau sẽ phát triển nhanh dịch vụ công trực tuyến", ông Chính nói.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau, trên tinh thần ký kết hợp tác, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh sẽ tích hợp thêm nhiều ứng dụng để quảng bá trên Zalo để người dân tiếp cận thêm nhiều lĩnh vực khác của địa phương như du lịch thông minh, thông tin về môi trường, nông nghiệp, quản lý tàu cá đánh bắt ngoài khơi.

"Có nhiều kênh giao tiếp nhưng hiện nay người dân sử dụng Zalo rất nhiều nên khai thác ứng dụng này sẽ thiết thực, hiệu quả hơn", vị Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau chia sẻ với Zing.vn.

Hiện, Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau có tổ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ dịch vụ hành chính công do Phó Giám đốc Trung tâm làm Tổ trưởng. Hai cán bộ kỹ thuật của Trung tâm này được phân công trực tiếp trả lời những thắc mắc của người dân từ ứng dụng Zalo. Những việc đơn giản, hai cán bộ này trả lời nhanh, còn phức tạp sẽ kết hợp với các chuyên viên của sở, ngành đang làm việc tại Trung tâm.

Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau, cho biết tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại trung tâm trên 20%. Vì vậy, ứng dụng Zalo tạo thêm kênh tương tác vì trước đây bắt buộc người dân phải vào Cổng Dịch vụ công mới nộp hồ sơ trực tuyến được, còn bây giờ thông qua Zalo, có những cơ chế thuận lợi hơn.

Tạo nên đô thị thông minh

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, sau 3 năm thực hiện đề án Chính quyền điện tử (CQĐT), tỉnh này cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra như hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai các thành phần nền tảng và các ứng dụng của CQĐT đến các ngành, các cấp.

Đề án này tạo môi trường hiện đại, chuyên nghiệp, liên thông, tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
 

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến,
không cần phải mang hồ sơ đến cơ quan hành chính. Ảnh: Việt Tường.

Để nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thời gian tới, ông Hải yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố tăng cường ứng dụng CNTT vào các hoạt động của đơn vị, địa phương nhằm đảm bảo kiến kiến trúc chính quyền điện tử; tăng cường thông tin tuyên truyền các tiện ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng, trong đó có nộp hồ sơ trực tuyến qua Zalo.

Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, người dân nộp hồ sơ trực tuyến còn thấp so với nhu cầu đặt ra. Có nhiều thủ tục hành chính có thể triển khai mức độ 3-4 nên tỉnh đưa lên để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhưng thực tế số người dùng ứng dụng trên môi trường trực tuyến còn hạn chế. Có nhiều cán bộ, công chức của tỉnh không gương mẫu thực hiện ứng dụng CNTT, vẫn làm hồ sơ giấy tờ nên khó hỗ trợ, hướng dẫn người dân.

Ứng dụng CNTT là rất quan trọng, cần đội ngũ tuyên truyền, hướng dẫn người dân để họ biết hiện nay có các thủ tục hành chính đã được thực hiện trên môi trường mạng, không cần phải mất thời gian đi lại, gây tốn kém. Với Zalo, người dân chỉ cần ở nhà nộp hồ sơ trực tuyến và các sở, ngành trả kết quả cũng trên môi trường mạng.

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các ngành liên quan nên xem xét bổ sung cho kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh để "đủ đô", xứng tầm. Khi xây dựng đề án chính quyền điện tử thì phải gắn với đó để xây dựng đô thị thông minh thông qua các ứng dụng CNTT.
 

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Việt Tường.

"Tôi đi kiểm tra, thấy nhiều ngành còn thờ ơ, không quan tâm việc này. Hồ sơ, giấy tờ chất đầy tủ nhưng khi cần rà soát, kiểm tra thì kiếm rất lâu, thậm chí tìm không được. Vì vậy, chúng ta cần quản lý bằng CNTT", ông Hải chia sẻ.

Ông Hải cũng nhấn mạnh rằng khi xây dựng chính quyền điện tử, phải có công dân điện tử, nếu không có thì chẳng ai tương tác. Khi không có người tương tác, các ứng dụng, phần cứng, phần mềm được đầu tư sẽ không có giá trị.

"Đầu tư để phục vụ nhân dân mà người dân không biết, không sử dụng thì chẳng có ý nghĩa gì, gây tốn kém, lãng phí. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí là phải tập huấn cho cán bộ viên chức, công chức bởi họ chính là những người đi tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân", ông Nguyễn Tiến Hải nói.

Theo news.zing.vn