Theo đó, Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện xây dựng chính quyền điện tử. Kết quả là các nền tảng Chính phủ điện tử được phát triển nhanh, trong đó nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển nhanh chóng và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, các hệ thống an toàn thông tin tiếp tục được cải thiện mạnh với số lượng Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh cấp bộ, cấp tỉnh tăng 5,2 lần so với tháng 02 năm 2020; các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp đạt 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày càng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam tăng 02 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ). Trong đó, chỉ số thành phần về hạ tầng viễn thông tăng mạnh 31 bậc, chỉ số thành phần về nhân lực được cải thiện 3 bậc, chỉ có Chỉ số Dịch vụ trực tuyến giảm 22 bậc, tuy nhiên việc khảo sát, đánh giá dịch vụ công trực tuyến của Liên Hợp Quốc được thực hiện trước tháng 9 năm 2019, thời điểm Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa khai trương và từ đó đến nay số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã tăng mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại chưa được khắc phục nhanh như môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện, một số Nghị định quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử chưa được ban hành; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, 08 bộ, 25 địa phương có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dưới 10% (đây là con số đáng báo động, nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020); một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử triển khai chậm, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai.
Do đó, để phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chuyển đổi số quốc gia giai đoạn mới, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, cụ thể như:
- Khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian, phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Hàng tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, địa phương để đôn đốc triển khai.
- Tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Thực hiện kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý để đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần có phương án rõ ràng, bảo đảm không ách tắc, tránh lãng phí.
- Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đáp ứng các mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý.
- Bộ Công an khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến tháng 7 năm 2021 đưa vào khai thác sử dụng chính thức trên toàn quốc.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thực hiện cách làm mới để đẩy nhanh tiến độ triển khai, khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia trong tháng 7 năm 2021.
- Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh trong tháng 10 năm 2020 và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020.
- Khẩn trương xây dựng, triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số, trong đó, lồng ghép các nội dung Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số. Hoàn thành trong Quý III năm 2020.
- Duy trì, tiếp tục phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội sau thời gian dịch bệnh Covid-19 để chuyển sang một trạng thái bình thường mới, khi các hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức được chuyển dần lên môi trường số, dựa nền tảng công nghệ số.
Trung tâm Giải quyết TTHC Cà Mau