Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Ngày 15/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp; hợp tác xã. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2020.
Theo đó, đối với hành vi gian dối trong lập tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung phiếu lý lịch tư pháp phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Sử dụng phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái pháp luật, xâm phạm đời tư của cá nhân;
- Sử dụng giấy tờ của người khác để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trái pháp luật;
- Khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch, hủy hoại hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy;
- Truy cập trái phép, trộm cắp, phá hoại dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử;
- Phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, hệ thống thông tin dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Đồng thời, buộc chịu mọi chi phí để khôi phục tình trạng ban đầu do thực hiện hành vi vi phạm.
Thảo Anh