Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ban hành ngày 16/2/2015 thì bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Về thời hạn sử dụng, Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP đều chưa có quy định về thời hạn có hiệu lực của bản sao được công chứng, chứng thực. Do vậy về nguyên tắc, việc xác định thời hạn sử dụng của bản sao được công chứng, chứng thực còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Trong thực tế, nếu lấy thời hạn giá trị sử dụng của các loại giấy tờ làm căn cứ để xác định giá trị sử dụng của bản sao được công chứng, chứng thực thì có thể chia thành hai loại: (1) Bản sao từ các loại giấy tờ không xác định thời hạn, trừ trường hợp bản chính đã bị thu hồi, hủy bỏ (bao gồm: bản sao được chứng thực từ bảng điểm, bằng cử nhân, giấy phép lái xe mô tô…); (2) Bản sao từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn (bao gồm bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn như Phiếu lý lịch tư pháp, có giá trị 6 tháng; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, có giá trị 6 tháng; Giấy chứng minh Nhân dân, có giá trị sử dụng 15 năm…) thì bản sao chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng.
Như vậy, về tổng thể pháp luật hiện hành chưa có văn bản quy định chung đầy đủ về giá trị sử dụng các tất cả các loại giấy tờ mà nó được quy định trong từng văn bản chuyên ngành. Do đó, nếu xét về góc độ giá trị thời hạn sử dụng của bản chính (hoặc bản gốc) của các loại giấy tờ thì việc hạn chế thời hạn sử dụng của bản sao đã được chứng thực từ bản chính có thể hiểu bản sao y có giá trị pháp lý đến khi nào bản gốc bị thay đổi và không còn giá trị pháp lý. Tuy nhiên, thông thường đối với những giấy tờ có thể có sự thay đổi như giấy đăng ký kết hôn, giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất... khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu liên quan đến một số giao dịch có trách nhiệm pháp lý cao, trong đó có các giao dịch liên quan đến tài sản, giao dịch bảo đảm, thông thường cơ quan tiếp nhận sẽ thực hiện một số biện pháp xác minh nhằm đảm bảo tính cập nhật, tính xác thực của các giấy tờ trên.
Riêng đối với các hợp đồng đã được công chứng thì căn cứ theo thời hạn hiệu lực của hợp đồng đó. Ngoài ra tùy theo nội dung, tính chất công việc mà thời hạn được duy trì.
Trung tâm Giải quyết TTHC Cà Mau