Nội dung trong Thông báo số 139/TB-VPCP ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ đã khẳng định, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, vai trò hạt nhân của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cùng sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tham nhũng, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Theo kết quả thống kê cũng cho thấy tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi so với năm 2018, từ 4,5% lên 10,7%; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng đạt 86,5% (tăng 14,5% so với năm 2018); cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội được khai trương và kết nối liên thông với hệ thống chuyên ngành khác để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em...
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nền tảng thanh toán điện tử triển khai chậm; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến chưa cao; hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ; vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm đầy đủ, còn tình trạng mất an toàn, an ninh mạng trong một số cơ quan trọng yếu; chưa tích cực ứng dụng các công nghệ mới (điện toán đám mây,...).
Trong Thông báo nêu rõ, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm cuối của giai đoạn 2019-2020 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đặt biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Chính phủ điện tử là thay đổi cách thức vận hành của Chính phủ, của chính quyền các cấp, người đứng đầu các cấp có vai trò quyết định, không chỉ dẫn dắt quá trình thay đổi mà còn phải là người sử dụng đầu tiên và thường xuyên, hàng ngày các ứng dụng Chính phủ điện tử.
Để thực hiện đạt mục tiêu của Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, phải tập nguồn lực để thực hiện các mục tiêu Chính phủ điện tử, khẩn trương hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên cổng Dịch vụ công Quốc gia bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Đến hết năm 2020, 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả./.
Trung tâm Giải quyết TTHC Cà Mau