Nghị định lần này cũng quy định rõ: căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, sau khi xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì Ủy ban nhân dân tỉnh được phép thực hiện mô hình quản lý xe tập theo một trong các hình thức: giao cho một đơn vị (là cơ quan nhà nước hoặc một đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp công ích) thống nhất quản lý hoặc có thể thực hiện việc giao cho các Văn phòng (Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh) quản lý tập trung của từng hệ thống.

Xe ô tô được đưa về tập trung tại trụ sở đường Nguyễn Trãi, Phường 9, TP. Cà Mau

Như vậy, tính đến thời điểm Nghị định chính thức được ban hành, tỉnh Cà Mau đã thực hiện Đề án thí điểm quản lý xe ô tô tập công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau được hơn 03 tháng (Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 400/QĐ-UBND ngày 14/3/2018 và chính thức thực hiện từ ngày 01/10/2018).

Tính đến ngày 31/12/2018, đơn vị được giao quản lý xe ô tô tập trung (Trung tâm Dịch vụ tài chính công trực thuộc Sở Tài chính) đã tiếp nhận 142 xe công và tiếp nhận 67 nhân viên lái xe từ các đơn vị chuyển về. Trên cơ sở đó, đã tiến hành chọn lựa chọn 82 xe để phục vụ (67 xe phục vụ chính thức và 15 xe dự phòng), thực hiện điều chuyển 06 xe và trình cơ quan có thẩm quyền thanh lý 54 xe.

Để bảo đảm thực hiện tốt việc vận hành xe, Trung tâm Dịch vụ tài chính công đã chia 67 nhân viên lái xe thành 04 tổ để thực hiện nhiệm vụ hàng ngày (mức giao động từ 23 đến 27 lượt sử dụng/ngày).

Như vậy, với việc thực hiện Đề án thí điểm quản lý ô tô tập trung sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách tài chính công. Bởi Đề án này không chỉ giúp cho việc sử dụng xe công có hiệu quả, giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách (dự kiến sẽ tiết kiệm ngân sách cho tỉnh mỗi năm 17 tỷ đồng) mà còn góp phần sắp xếp lại bộ máy cồng kềnh trong quản lý xe công./.
                                                             

Chí Linh