Để giúp tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về quy trình, cách thức thực hiện dịch vụ công này, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính xin trân trọng giới thiệu một số nội dung liên quan đến dịch vụ công này.

         1.     Về cơ sở pháp lý:

        - Dịch vụ công được quy định cụ thể trong Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Cụ thể tại tại Điều 10 Nghị định 45/2020/NĐ-CP dịch vụ công này thì tổ chức, cá nhân có thể thực hiện theo hai cách là (1) yêu cầu cấp bản sao điện tử từ sổ gốc; (2) yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu.

          Trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp bản sao điện tử từ sổ gốc, cơ quan đang quản lý sổ gốc căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử có chữ ký số của cơ quan cho người yêu cầu.

          2. Về thẩm quyền: thẩm quyền cấp, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cấp bản sao điện tử từ sổ gốc được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cấp bản sao từ sổ gốc.

           3. Về giá trị sử dụng: Theo quy định điểm b, khoản 3 Điều 10 Nghị định 45/2020/NĐ-CP thì “Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

          Do đó, để bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân khi thực hiện dịch vụ công này, Nghị định 45/2020/NĐ-CP cũng quy định bản sao điện tử sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chứng thực sẽ được gửi vào kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ quan có thẩm quyền gửi bản sao điện tử đã được ký số cho tổ chức, cá nhân qua địa chỉ thư điện tử do tổ chức, cá nhân cung cấp.

        Như vậy, theo quy định  hiện hành thì bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng nhiều lần (nếu giấy tờ chứng thực còn giá trị sử dụng).

           Do đó với quy định này người dân, doanh nghiệp sẽ được phép sử dụng bản sao này để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên môi trường điện tử. Vì vậy, lợi ích lớn nhất mà nó mang lại đó chính là loại bỏ được tình trạng phải nộp bản sao chứng thực (hoặc phải xuất trình bản chính để xác minh hồ sơ) khi thực hiện thủ tục hành chính.

           Theo thống kê của Bộ Tư pháp thì trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản. Vì vậy, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực thì chi phí xã hội sẽ tiết kiệm được là tương đối lớn (tương đương 428,4 tỉ đồng/năm).

                                                                                                        Trung tâm Giải quyết TTHC Cà Mau