Ông Trần Văn Hoà, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau, cho biết, việc cập nhật, công bố TTHC được thực hiện đúng theo quy định; tất cả TTHC đang thực hiện đều được cập nhật, đăng tải kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Trang Thông tin điện tử của các sở, ngành, huyện, thành phố và niêm yết bằng văn bản giấy tại các bộ phận một cửa.

Công tác rà soát, đơn giản hoá TTHC được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện, nhiều cơ quan thực hiện tốt việc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết của 119 TTHC (thời gian cắt giảm từ 5-50%).

Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau được đánh giá là một trong những đơn vị có
hiệu suất công việc nằm trong tốp đầu cả nước, đặc biệt nếu so với mặt bằng chung khu vực ĐBSCL.

Quan điểm của UBND tỉnh Cà Mau hết sức rõ ràng, như chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi: “Quan tâm chỉ đạo thường xuyên công tác cải cách hành chính, đặc biệt là việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bên cạnh việc chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung cải thiện chỉ số cải cách hành chính và các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ kế hoạch cải cách hành chính năm 2018 của cơ quan, đơn vị”.

Định kỳ hằng tuần, UBND tỉnh đều tổ chức họp Tổ công tác liên ngành để xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn; thành lập đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính tỉnh để kiểm tra kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị.

Thông tin từ Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau, chỉ riêng tháng 7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 15 quyết định, công bố 115 thủ tục mới ban hành, 116 TTHC bị bãi bỏ, huỷ bỏ, luỹ kế đến nay, tỉnh Cà Mau đã có gần 600 TTHC bị bãi bỏ, huỷ bỏ. Trong việc kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành, chỉ đạo của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Cải cách TTHC là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải thật sự quán triệt, phải bắt đầu thay đổi từ nhận thức, ý thức chứ không thể lơ là. Nơi nào coi nhẹ công tác này thì phải được kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm và xử lý nghiêm túc”.

Theo phản ánh của ông Trần Văn Hoà, một số đơn vị, ngành, cơ quan chưa thật sự vì quyền lợi của người dân, dẫn đến việc giải quyết TTHC từng lúc, từng nơi chưa đáp ứng được nhu cầu, gây phiền hà, lãng phí cho người dân, cho thấy cải cách TTHC cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa.

Theo đánh giá từ tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau nằm trong những địa phương đạt kết quả tích cực của cả nước, đặc biệt là nếu so sánh với mức độ cải cách TTHC ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, như lời ông Vũ Thiện Vương, Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, thì: “Cà Mau vẫn phải nỗ lực rất nhiều, không bằng lòng với kết quả đạt được. Phải lấy sự hài lòng của nhân dân, của doanh nghiệp làm thước đo cho kết quả đạt được. Phấn đấu đưa Cà Mau trở thành địa phương có sức hút, có cơ chế và điều kiện đầu tư thông thoáng, đây là tiền đề rất quan trọng mở ra cơ hội phát triển của địa phương”.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đưa ra hàng loạt giải pháp về tăng cường ý thức cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong đổi mới lề lối làm việc. Cải cách và đổi mới trong giải quyết TTHC được UBND tỉnh xác định thành những nhóm nhiệm vụ cơ bản. Trong đó, như phân tích của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi là tập trung vào “việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan hành chính các cấp luôn được UBND tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo thực hiện và kiểm tra thường xuyên”.

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ. Thành lập tổ kiểm tra công vụ và tiến hành kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị./.

Theo http://baocamau.com.vn