Xem đoạn phim tư liệu ghi lại hình ảnh Bác Hồ lấy khăn lau nước mắt khiến chúng ta chạnh lòng và hàng triệu người dân miền Bắc lúc đó càng xót xa, cảm động, sẵn lòng bao dung và càng thương Bác hơn, tin Đảng nhiều hơn. Bởi đó là lời xin lỗi chân thành, được thốt lên từ trái tim của một người suốt cả cuộc đời chỉ biết hy sinh, một lòng vì dân, vì nước!
 


Bà con Pác Bó, Cao Bằng vô cùng xúc động được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh sau
20 năm xa cách (20/2/1961). Ảnh tư liệu

Học tập và làm theo gương Bác, thời gian qua, đã có không ít trường hợp đại diện cơ quan chức năng đứng ra xin lỗi công khai người dân khi họ thiếu trách nhiệm hoặc dân bị xử oan, nhưng xem ra, sự xin lỗi mới chỉ dừng lại ở vai trò tập thể. Mặc dù vậy, những sự xin lỗi ấy cũng đã làm xoa dịu tinh thần người dân, giúp họ tạo được niềm tin với chính quyền và những người thừa hành. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị phải đề cao và thực hiện thật tốt văn hoá xin lỗi nhân dân khi làm sai. Có như thế và chỉ khi nào làm được như thế thì dân mới tin yêu, hết lòng ủng hộ, trân trọng. Xin lỗi không chỉ bằng văn bản mà phải kèm theo một hành động, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, với tất cả thiện chí và phải có ý thức trách nhiệm. Đó là văn hoá xin lỗi Nhân dân.

Lời xin lỗi của đội ngũ cán bộ, đảng viên khác xa lời xin lỗi bình thường của người dân trong giao tiếp; phải công khai, minh bạch để cho người dân thấy được thành ý của việc xin lỗi. Cán bộ, đảng viên không được coi lời xin lỗi là biện pháp, đối sách để trốn tránh trách nhiệm hay làm giảm nhẹ phần trách nhiệm của mình; không viện dẫn bất cứ lý do gì để biện minh trong lời xin lỗi mà lời xin lỗi phải kèm theo những hành động, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đó là cách xin lỗi chân thành chứ không phải thói mị dân.

Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân, lời xin lỗi phải thận trọng khi nói ra, vì phải hội đủ nhiều yếu tố để người dân cảm thông và hài lòng. Nói như thế không có nghĩa là cán bộ nhà nước hạn chế lời xin lỗi, mà trái lại, xin lỗi phải được coi như một quy trình trong cải cách thủ tục hành chính. Khi ký một văn bản xin lỗi người dân, tức là người đứng đầu cơ quan công quyền tỏ rõ thái độ cầu thị, cách hành xử có văn hoá trong lãnh đạo, quản lý và còn kiểm soát được hoạt động của chính cơ quan mình. Làm được như vậy và chỉ có làm được như vậy thì người cán bộ, đảng viên mới thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân như Bác Hồ đã từng căn dặn. Biết xin lỗi Nhân dân đó chính là văn hoá Đảng./.
                                 

Theo Phan Minh Trung, Báo Cà Mau